Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Phân tích câu trúc đề thi ĐH, CĐ 2013 môn Vật lí


Lại một mùa thi nữa đến gần, nhằm chuẩn bị cho các em tốt nhất cho những thời khắc quan trọng, thầy viết bài này với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm ra đề thi, hướng dẫn học sinh ôn thi, và những khúc mắc xung quanh vấn đề “đề thi có thể sẽ như thế nào?”
.
Trước khi đi vào phân tích xem đề thi đại học (ĐH) năm tới có thể sẽ như thế nào, chứa đựng nội dung gì thì chúng ta cần nhìn lại cấu trúc của đề thi tuyển sinh ĐH gần nhất, năm 2012.
.
I. CẤU TRÚC ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2012
Đề thi tuyển sinh Đại học năm 2012 được phân bố như sau
  • Dao động cơ học: (9 câu)
Đề thi tập trung vào các phần chính: bài toán thời gian trong dao động, sử dụng hệ thức độc lập, con lắc lò xo, con lắc đơn ảnh hưởng bởi lực quán tính, tổng hợp dao động điều hòa (tính năng lượng dao động thông qua phương trình tổng hợp), và đặc biệt là một câu hỏi nâng  cao để phân loại học sinh.
  • Sóng cơ học: (5 câu)
Sóng cơ học là một phần hay và có thể khai thác được rất nhiều dạng bài toán mới lạ.
Đề thi chỉ khai thác ba mảng kiến thức chính là giao thoa sóng, song dừng, sóng âm và 1-2 câu hỏi lí thuyết chung về sóng cơ. Nói chung các câu hỏi thuộc phần này ở đề thi đều tương đối dễ thở.
  • Điện xoay chiều: (11 câu)
Phần điện là một trong những phần kiến thức nhiều học sinh cảm thấy khó khi bước vào phòng thi. Để làm tốt điện xoay chiều đòi hỏi học sinh phải hội tụ được nhiều yếu tố: tư duy, trí nhớ tốt và đặc biệt là khả năng giải toán nhanh nhẹn. Trong hai năm trở lại đây đề thi phần điện đều tương đối dài, có câu hỏi tận 7-8 dòng khiến học sinh đọc xong đã hoa mắt chứ chưa nói đến cần thêm thời gian để hiểu dữ kiện đề bài cho.
Những mảng kiến thức chính mà đề thi đã khai thác trong năm 2011: mạch điện xoay chiều chỉ có một phần tử, mạch điện RLC tổng quát, tính toán liên quan đến công suất và hệ số công suất, bài toán cực trị tổng hợp và bài toán về máy biến áp.
Cái khó nói chung trong điện xoay chiều thường là đề bài dài và các dữ kiện có liên quan chặt chẽ với nhau, chỉ cần không hiểu được một dữ kiện mà đề bài cho khai thác ở điểm nào thì thật khó có thể làm được bài toán đó.
Ngay cả những câu hỏi lí thuyết thuộc phần này cũng đòi hỏi tư duy và khả năng suy luận logic.
  • Dao động điện từ: (5 câu)
Trong đề thi năm 2011 có 5 câu về dao động điện từ thì có đến 4 câu là bài tập. Với nhiều học sinh thì đó thực sự là may mắn vì những câu hỏi thuộc chương này đều không quá khó khăn, có chăng là việc bấm máy tính và quy đổi đơn vị cẩn thận một chút.
  • Sóng ánh sáng: (7 câu)
Nếu so sánh với phân bố chương trình học thì nội dung đề thi của chương này không được chuẩn lắm. Đề thi có 2 câu về hiện tượng tán sắc ánh sáng (trong đó có một câu thuần về tán sắc theo lí thuyết được học, một câu có kết hợp với hiện tượng khúc xạ ánh sáng ở  chương trình lớp 11); 3 câu về thí nghiệm I-âng trong giao thoa sáng (1 câu hỏi lí thuyết và hai câu bài tập: trong đó một bài tập về trùng vân và một bài tập về dịch chuyển màn); 2 câu hỏi lí thuyết về tia hồng ngoại, tử ngoại và tia X.
Như vậy các chúng ta thấy ngay đề thi không đả động gì đến máy quang phổ và các loại quang phổ. Đó có lẽ là một kẽ hở để các thí sinh năm 2012 nắm được tủ chăng?
  • Lượng tử  ánh sáng: (6 câu)
Đề thi gồm 4 câu bài tập và 2 câu hỏi lí thuyết. Mặc dù có 4 bài tập nhưng các bài tập đều ở mức trung bình. 4 bài tập thuộc các mảng: quang điện ngoài (chỉ dùng định luật I để giải), sự phát quang; và hai bài tập về mẫu nguyên tử Bohr. Hai câu hỏi lí thuyết về quang điện trong và quang điện ngoài.
Như vậy, quan sát đề thi và nội dung trong sách giáo khoa chúng ta dễ dàng nhận ra ngay form đề thi cho chương này là quang điện ngoài (1 lí thuyết, 1 bài tập), quang điện trong (lí thuyết), sự phát quang (có thể lí thuyết và bài tập đều được), và mẫu nguyên tử Bohr (thường là 2 câu). Và so với chương trình học thì  còn một ít kiến thức nữa thuộc về Laze, thầy mong các em hãy lưu ý.
  • Vật lí hạt nhân, vi mô: (7 câu)
Nội dung đề thi gồm 5 câu thuộc mảng kiến thức về hạt nhân và hai câu hỏi về vi mô.
Các câu hỏi về hạt nhân xoay quanh các mảng kiến thức: cấu tạo, năng lượng liên kết hạt nhân (1 câu); phóng xạ (1 câu); phản ứng hạt nhân (2 câu); thuyết tương đối (1 câu).
Hai câu hỏi của phần vi mô đều rơi vào phần hệ mặt trời.
Qua việc nhìn lại đề thi của năm 2012 phần nào đã giúp chúng ta mường tượng ra đề thi năm 2013 như thế nào rồi. Tuy nhiên, có một điểm mới trong kì thi năm nay (và có thể là tin vui với các em), đó là đề thi đã được thu hẹp lại. Tức là Bộ giáo dục đã cắt giảm đi một số phần không cần thiết, và do đó giúp học sinh ôn thi hiệu quả hơn.
Tuy nhiên cái gì cũng có mặt lợi, hại của riêng nó. Thu hẹp lại thì những phần khác sẽ được tăng lên, và hỏi sâu hơn nên độ khó ắt hẳn là làm nhiều người giật mình đó.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG GIẢM TẢI TRONG KÌ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2013 
  • Dao động cơ: Bài toán về con lắc đơn sẽ không sử dụng đến công thức tính vận tốc v1.png
  • Điện xoay chiều:
+ Bỏ đi phần kiến thức liên quan đến các cách mắc mạch ba pha hình sao và hình tam giác đồng nghĩa với việc loại bỏ những bài toán dùng công thức v2.png
+ Phần động cơ không đồng bộ chỉ cần nhớ duy nhất định nghĩa động cơ không đồng bộ ba và đặc điểm của động cơ (tốc độ góc của khung dây nhỏ hơn tốc độ góc của từ trường quay).
  • Mạch dao động điện từ: Bỏ đi phần thuyết điện từ của Max-oen, hai giả thuyết của max-oen thì chỉ nắm được giả thuyết về từ trường biến thiên.
  • Lượng tử ánh sáng: Chỉ yêu cầu học sinh nắm được định nghĩa Laze và các đặc điểm của laze (có 4 đặc điểm).
  • Từ vi mô đến vĩ mô: Bỏ hoàn toàn.
III. PHÂN TÍCH CẤU TRÚC ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2013
1. Dao động cơ học (9 câu)
  • Đại cương về dao động điều hòa:
    • Các khái niệm cơ bản về dao động, các loại dao động: tắt dần, duy trì, cưỡng bức, tự do.
    • Bài toán so sánh về pha: li độ, vận tốc, gia tốc, lực hồi phục.
    • Hệ thức độc lập với thời gian.
    • Đồ thị dao động của các đại lượng đặc trưng.
    • Viết phương trình dao động.
  • Bài toán về quãng đường, thời gian trong dao động:
    • Tìm thời gian vật chuyển động ở hai li độ khác nhau, bài toán thời gian hỏi thông qua lực, năng lượng….
    • Tính quãng đường vật đi được, quãng đường lớn nhất, nhỏ nhất.
    • Bài toán về tốc độ trung bình.
    • Bài toán xác định số lần vật qua một li độ nào đó, hoặc xác định thời điểm vật qua li độ nào đó lần thứ bao nhiêu (đã khai thác trong đề thi năm 2011).
  • Con lắc lò xo:
    • Viết phương trình dao động của con lắc lò xo.
    • Bài toán lò xo dãn, nén.
    • Tìm chiều dài lò xo, tính độ lớn lực đàn hồi.
  • Con lắc đơn:
    • Viết phương trình dao động của con lắc đơn, một số dạng tính toán liên quan đến sự tăng giảm chu kỳ.
    • Hệ thức liên hệ của con lắc đơn ct21.png
    • Bài toán chu kì con lắc ảnh hưởng bởi lực điện trường, lực quán tính, ảnh hưởng bởi nhiệt độ, độ cao hoặc sự tăng giảm chiều dài… Đặc biệt chú ý dạng bài có kết hợp cả lực điện trường và lực quán tính.
  • Năng lượng dao động điều hòa:
    • Các biểu thức năng lượng của con lắc lò xo và con lắc đơn.
    • Tìm thời gian thông qua năng lượng.
  • Tổng hợp dao động điều hòa:
    • Viết phương trình dao động tổng hợp.
    • Tìm các yếu tố như vận tốc, gia tốc, năng lượng… của dao động tổng hợp (khi đó yêu cầu học sinh phải viết được phươn trình của dao động tổng hợp).
    • Bài toán tìm ngược phương trình dao dộng (tức là biết x1 và x tìm x2). Tuy nhiên các dạng bài toán này thì đều bị máy tính Casio Fx bắt bài nên xác suất thi kiểu này không cao lắm.
    • Tìm biên độ dao động thành phần để biên độ A1 hoặc A đạt max. Với các dạng toán này các em nên vẽ hình rồi dùng định lí hàm sin để giải. Chỉ một bước đánh giá cơ bản sinx < hoặc = 1 là thu được kết quả ngay. Đây là dạng bài mới mà cỏ thể xuất hiện trong đề thi. Các em nên lưu ý nhé!
  • Câu hỏi Nâng cao:
Như truyền thống trong một số năm gần đây, chương này luôn có một câu hỏi “dị” để phân loại học sinh. Với năm 2010 là câu hỏi về tốc độ cực đại trong dao động tắt dần, năm 2011 hỏi về khoảng cách giữa hai vật từ khi chúng tách nhau. Vậy đề thi năm nay sẽ có câu hỏi phân loại phần dao động cơ như thế nào? Thầy Hùng đưa ra một số gợi ý để các bạn tham khảo:
  1.  Bài toán va chạm của hai vật (chủ yếu là va chạm mềm và có dùng bảo toàn động lượng).
  2.  Bài toán tính quãng đường trong dao động tắt dần.
  3.  Bài toán về dao động duy trì.
2. Sóng cơ học (5 câu)
  • Đại cương về sóng cơ:
    • Các đặc trưng cơ bản về sóng: chu kỳ, tần số, biên độ, bước sóng, năng lượng sóng (đặc biệt chú ý về năng lượng sóng, sự tăng giảm năng lượng)
    • Viết phương trình sóng, bài toán về độ lệch pha giữa hai điểm trên phương truyền sóng.
  • Giao thoa sóng cơ:
    • Viết phương trình tổng hợp sóng.
    • Tìm biên độ tổng hợp sóng tại một điểm cho trước.
    • Tìm số điểm dao động với biên độ cho trước.
    • Bài toán tìm số điểm dao động cùng pha, ngược pha, khoảng cách giữa cực đại, cực tiểu.
  • Sóng dừng:
    • Tìm số bụng sóng, nút sóng, tần số cho sóng dừng.
    • Bài toán tìm tốc độ truyền sóng dựa vào phương trình tổng hợp sóng dừng.
    • Bài toán tìm thời gian thông qua mối quan hệ giữa li độ và biên độ của bụng sóng (đã khai thác năm 2011).
  • Sóng âm:
    • Các khái niệm về âm thanh, sóng siêu âm, hạ âm. Các đặc trưng sinh lí và vật lí của âm.
    • Bài toán tính mức cường độ âm, công suất của nguồn âm.
3. Dòng điện xoay chiều (11 câu)
Các câu hỏi về Dòng điện xoay chiều trong đề thi những năm gần đây thường chia thàh hai mảng chính: bài toán về mạch RLC (7 – 8 câu) và bài toán về máy biên áp, máy phát điện, động cơ điện (3 – 4 câu).
  • Các bài toán về mạch điện xoay chiều:
    • Mạch điện xoay chiều chỉ có một phàn tử.
    • Mạch điện xoay chiều RLC: tính toán U, Z. và viết biểu thức u, i.
    • Bài toán về công suất, tính hệ số công suất.
    • Bài toán liên quan đến hiện tượng cộng hưởng điện.
    • Bài toán về cực trị trong mạch điện xoay chiều.
    • Các bài toán về pha (đặc biệt là trường hợp mạch có các thành phần vuông pha).
  • Các bài toán về máy biến áp, máy phát điện, động cơ điện:
    • Máy biến áp.
    • Bài toán truyền tải điện năng.
    • Bài toán về từ thông, suất điện động.
    • Các bài toán liên quan đến công thức tính tần số f của máy phát điện…
    • Bài toán liên quan đến động cơ điện.
4. Dao động điện từ (5 câu)
Trong chương trình học, các nội dung về mạch dao động tương đối ít, và đây có thể coi là phàn gỡ lại điểm số cho chương Điện. Các em nên chú ý một số dạng sau:
  • Bài toán về mạch dao động:
    • Tính chu kỳ, tần số của mạch dao động khi tự C ghép nói tiếp, song song.
    • Tính i, q, ω dựa vào hệ thức liên hệ của chúng.
  • Bài toán năng lượng của mạch dao động:
    • Tính toán năng lượng điện trường, từ trường, sự biến thiên của chúng.
    • Bài toán liên quan đên thời gian trong mạch dao động (phần này tương tự như trong dao động cơ).
    • Đặc biệt, các em hãy lưu ý về dạng bài tập mắc tụ song song hoặc nối tiếp với khóa k. Khi mở và đóng khóa k thì năng lượng của mạch như thế nào, trong các đề thi gần đây thầy vẫn thường khai thác rồi nhé!
  • Sóng điện từ, điện từ trường, sóng vô tuyến: Đây là phần lý thuyết, các em cứ học kĩ sách giáo khoa là ổn.
5. Sóng ánh sáng (7 câu)
  • Tán sắc ánh sáng: (2 câu)
    • Các khái niệm cơ bản về tán sắc ánh sáng, ánh sáng trắng, ánh sáng đơn sắc.
    • Nguyên nhân của hiện tượng tán sắc ánh sáng (chiết suất của lăng kính có giá trị khác nhau với các ánh sáng đơn sắc khác nhau)
    • Bài toán tán sắc kết hợp với khúc xạ ánh sáng.
    • Bài toán tính độ rộng vùng quang phổ thu được trên màn…
  • Giao thoa ánh sáng: (3 câu)
    • Bài toán tìm số vân sáng, vân tối.
    • Bài toán trùng vân.
    • Bài toán giao thoa với ánh sáng trắng.
  • Quang phổ: (1 câu)
    • Máy quang phổ
    • Quang phổ liên tục, quang phổ vạch, quang phổ hấp thụ: cần phải nắm được về cấu tạo, nguồn phát, đặc điểm quan trọng và một số ứng dụng thường gặp
  • Các loại tia: (1 câu)
    • Các loại tia: hồng ngoại, tử ngoại, tia X: nắm được về định nghĩa, bản chất và một số các ứng dụng
    • Thang sóng điện từ: sắp xếp các bức xạ theo thứ tự tăng, giảm của chu kỳ hoặc tần số.
6. Lượng tử ánh sáng (6 câu)
  • Hiện tượng quang điện ngoài: (2 câu)
    • Khái niệm về hiện tượng quang điện ngoài, các định luật quang điện
    • Thuyết lượng tử ánh sáng.
    • Bài toán về điều kiện xảy ra hiện tượng quang điện ngoài.
  • Hiện tượng quang điện trong, quang dẫn, pin quang điện: (1 câu)
    • Nắm được khái niệm về hiện tượng quang điện trong, so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa hiện tượng quang điện trong và quang điện ngoài.
    • Nắm được về chất quang dẫn, hiện tượng quang dẫn, pin quang điện và quang điện trở.
  • Hiện tượng quang – phát quang: (1 câu)
    • Nắm được khái niệm về hiện tượng phát quang, một số hiện tượng phát quang thường gặp.
    • Phân biệt được huỳnh quang, lân quang.
    • Các bài toán về hiện tượng phát quang, hiệu suất phát quang…
  • Mẫu nguyên tử Bohr: (2 câu)
    • Nắm hai tiên để của Bohr về trạng thái dừng và sự bức xạ, hấp thụ năng lượng.
    • Công thức tính bán kính quỹ đạo của electron.
    • Bài toán về tính mức năng lượng của nguyên tử ứng với các trạng thái dừng, lưu ý về mức năng lượng lớn nhất, nhỏ nhất tương ứng với bước sóng dài nhất, nhỏ nhất trong các dãy.
    • Thuộc lòng cách tính các bước sóng ở các dãy Lyman, Banme, Pasen.
7. Vật lí hạt nhân (7 câu)
  • Độ hụt khối, năng lượng liên kết, năng lượng liên kết riêng của hạt nhân: (1 câu)
    • Tính năng lượng liên kết của hạt nhân.
    • Bài toán so sánh tính bền vững của các hạt nhân dựa vào năng lượng liên kết riêng.
  • Bài toán về động năng tương đối của hạt chuyển động: (1 câu)
    • Nhớ công thức tính động năng
ct22.png
  • Phóng xạ: (2 câu)
    • Nắm được lí thuyết về các tia phóng xạ.
    • Các bài toán liên quan đến phần trăm số hạt, phần trăm khối lượng.
    • Bài toán liên quan đến số hạt, khối lượng hạt nhân con.
  • Phản ứng hạt nhân: (2 câu)
    • Các định luật trong phản ứng hạt nhân.
    • Các công thức tính năng lượng của phản ứng hạt nhân.
    • Bài toán tính động năng của các hạt.
    • Bài toán tính góc hợp bởi phương chuyển động của các hạt.
  • Sự phân hạch, nhiệt hạch: (1 câu)
    • Nắm được thế nào là phân hạch, nhiệt hạch, điều kiện xảy ra.
    • Phản ứng dây chuyền trong sự phân hạch.
    • Bài toán tính năng lượng phản ứng, tính khối lượng nhiên liệu thực hiện phản ứng.
Nguồn:  Thầy Đặng Việt Hùng

4 nhận xét:

  1. năm 2012 làm j có câu nào từ vi mô đến vĩ mô ,với lại trong cấu trúc đề 2013 bỏ CT tính vận tốc của con lắc đơn rồi mà thầy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. chắc bố này copi mấy thứ của những năm trước rồi sửa lại nhưng chưa sửa kĩ!

      Xóa
  2. Lượng tử ánh sáng: Chỉ yêu cầu học sinh nắm được định nghĩa Laze và các đặc điểm của laze (có 4 đặc điểm).
    vậy sao còn những phần khác của chương này vẫn thi.
    cuối cùng chương này giảm được gi????

    Trả lờiXóa
  3. từ vi mô đến vĩ mô đã bị bỏ r ngoài rồi mà! Học trong sách thì ít mà thi toàn mấy cái trên trời

    Trả lờiXóa