Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Cao đẳng - Đại học ngoài công lập liệu có còn tồn tại được hay không ?


Trong quá khứ, các trường tư phát triển được là nhờ chênh lệch cung cầu khi khả năng đáp ứng của hệ thống các trường ĐH, CĐ thấp hơn nhu cầu học của xã hội. Đến nay, khi cung cầu đã cân bằng thì cơ chế khắc nghiệt này phát huy sức mạnh mang tính hủy diệt…

Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) công lập - ngoài học phí thu từ sinh viên còn được ngân sách nhà nước cấp kinh phí. Khi hai hệ thống trường công và trường tư cùng hoạt động, thách thức lớn các trường tư phải đối mặt là: nếu thu học phí như mức thu của trường công thì phải chấp nhận chất lượng đào tạo thấp hơn, do trường công nhờ “bù giá” cho nên suất đầu tư/sinh viên cao hơn - còn nếu chất lượng đào tạo đạt mức như trường công thì phải đảm bảo suất đầu tư/sinh viên như trường công, và do không được ngân sách nhà nước cấp tiền nên học phí sẽ cao hơn.
Các trường tư đang hoạt động trong một cơ chế khắc nghiệt: “cùng giá thì chất tồi hơn, cùng chất thì giá cao hơn”. Cơ chế này nếu áp dụng cho các lĩnh vực kinh tế khác thì chắc không có ngành kinh tế tư nhân nào sống nổi. Trong quá khứ, các trường tư vẫn sống và phát triển được là nhờ chênh lệch cung cầu khi khả năng đáp ứng của hệ thống các trường ĐH-CĐ thấp hơn nhu cầu học của xã hội. Đến nay, khi cung cầu đã cân bằng - thậm chí cung vượt cầu, thì cơ chế khắc nghiệt này phát huy sức mạnh mang tính hủy diệt.
Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập vẫn đang bị gán cho tiếng xấu là chất lượng tồi. Cũng đúng thôi, khi ngoài việc không được “bù giá” như trường công, nhiều trường tư trong một thời gian dài hoạt động như cái bóng của trường công, khi chương trình và cách thức đào tạo sao chép từ trường công, giảng viên đa số là từ trường công chuyển sang hoặc thỉnh giảng, và lãnh đạo trường tư cũng đa phần là cán bộ quản lý trường công nghỉ hưu.
Hiện nay các trường công đang đào tạo 86% sinh viên, và do chiếm tỷ lệ sinh viên áp đảo - chất lượng giáo dục đại học Việt Nam do chính hệ thống các trường công quyết định. Nhưng “con sâu làm rầu nồi canh” - các trường tư được xã hội và ban ngành phong làm “tôi đồ”cho sự yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam - không công bằng nhưng cũng có lý.
Năm 2012, Bộ GD-ĐT cho phép các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Chỉ cần lấy số liệu chỉ tiêu đào tạo ĐH-CĐ chính quy của tất cả các trường công cộng lại (trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012) thì sẽ có một con số ấn tượng: trên nửa triệu chỉ tiêu chính quy 2012 là thuộc về các trường công lập - chính xác là 504.074 chỉ tiêu.
Với con số chỉ tiêu trường công như vậy - không có gì ngạc nhiên khi không chỉ trường tư bị chi phối bởi “quy luật khắc nghiệt” và mang tiếng “chất lượng kém” khó tuyển sinh - mà ngay cả một số trường công “chiếu dưới” cũng đang thiếu đầu vào.
Trong khi các trường công không phải nộp thuế, thì các trường tư phải đảm bảo 55m2 đất/sinh viên, tức có 1ha đất chỉ được dạy tối đa 200 sinh viên, thì mới được nộp thuế ưu đãi. Các trường công vô tư hoạt động với diện tích đất chật chội - đặc biệt các trường trong nội thành Hà Nội và TPHCM.
Khi các trường tư ra đời, để được phép giảng dạy thì phải làm thủ tục mở ngành với các quy định mang tính “đánh đố” - đặc biệt là yêu cầu là phải có sẵn số giảng viên cơ hữu đã ký hợp đồng, trả lương, nộp bảo hiểm trước khi giảng dạy vài năm (Bộ GD-ĐT quy định khi nộp hồ sơ xin mở ngành - thường là trước khi tuyển sinh 1 năm - trường phải có đủ số giảng viên cơ hữu dạy ít nhất 70% chương trình, mỗi giảng viên cơ hữu chỉ được dạy một môn, do vậy nhiều giảng viên sẽ phải được tuyển dụng và nhận lương để 3-4 năm nữa mới đến môn mình dạy!).
Hệ thống đào tạo ĐH-CĐ công lập 10 năm qua đã được phát triển nhanh chóng đáp ứng toàn bộ nhu cầu học tập sau phổ thông. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm học 2001-2002 mới có 168 trường ĐH-CĐ công lập, dạy tổng cộng 873 ngàn sinh viên, thì con số này năm học 2011-2012 tăng lên thành 337 trường ĐH-CĐ công và đang dạy 1,873 triệu sinh viên.
Tương lai “chắc chắn chết” của các trường tư đã được vạch rõ. Hoặc chết do không có sinh viên, không đủ sức đầu tư, hoặc sẽ trở thành một dạng trường công phục vụ xã hội khi tài sản chung không thuộc nhà đầu tư trong trường tư cứ to dần hàng năm.

http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tuong-lai-bap-benh-cua-cac-truong-dai-hoc-cao-dang-ngoai-cong-lap-680584.htm

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Sai phạm trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Nhiều trường mất quyền tự chủ xác định chỉ tiêu


Qua kiểm tra 30 trường ĐH, CĐ (công lập và dân lập) thì có tới 21 trường vi phạm chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012. Đây là kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012.
Đồng loạt tuyển vượt năng lực

Năm 2012 là năm đầu tiên các trường ĐH, CĐ trên cả nước xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo thông tư 57 của Bộ GD-ĐT. Hai tiêu chí quan trọng nhất được đưa ra trong thông tư này để các trường tự xác định chỉ tiêu của mình, đó là đội ngũ giảng viên (25 SV/giảng viên quy đổi) và tiêu chí diện tích sàn xây dựng (không thấp hơn 2m2/SV). Theo kết quả thanh tra của Bộ GD-ĐT tại 30 trường, có 12 trường đạt tiêu chí đội ngũ giảng viên, còn 18 trường chưa đạt. Về tiêu chí diện tích sàn xây dựng, có 25 trường đạt, còn 5 trường không đạt.

Trường vi phạm tiêu chí tỷ lệ SV/giảng viên cao là ĐH Công nghiệp TP.HCM (tỷ lệ đã quy đổi là 61,12 SV/giảng viên). Trường này còn vi phạm diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo SV chính quy khi chỉ có 1,92m2/SV. Ngoài ra, nhiều trường còn tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực đào tạo quá lớn. Cụ thể là Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, CĐ Thương mại không đạt tiêu chí về đội ngũ và tự xác định chỉ tiêu vượt năng lực đào tạo thực tế. Không những thế, có nhiều trường còn tuyển vượt chỉ tiêu như ĐH Quy Nhơn (vượt 5%), ĐH Nội vụ (vượt 13%), ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (vượt 11,4%), CĐ Công thương TP.HCM (vượt 6%), CĐ Thương mại (vượt 8%). Đặc biệt, một số trường không còn năng lực tuyển sinh năm 2012 nhưng vẫn xác định chỉ tiêu để tuyển.

Theo ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), những trường không còn năng lực tuyển sinh là những trường tính tổng quy mô SV đã đủ để đào tạo mà không cần phải tuyển sinh nữa. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động của trường, năm 2012, bộ cho những trường này chỉ được phép tuyển bằng 50% chỉ tiêu năm 2011. Dù không còn năng lực tuyển sinh nhưng năm 2012 Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM đã tự xác định 2.000 chỉ tiêu; Trường ĐH Văn Lang chỉ có năng lực tuyển 1.021 chỉ tiêu nhưng đã tự xác định 2.000; Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu không còn năng lực tuyển sinh nhưng đã xác định 1.700. Nghiêm trọng hơn, Trường ĐH Cửu Long không còn năng lực nhưng đã tự xác định 3.200; Trường ĐH Lương Thế Vinh chỉ có năng lực 473 chỉ tiêu nhưng đã tự xác định 1.800…

Tước quyền tự chủ xác định chỉ tiêu

Trước vi phạm của các trường, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có kiến nghị xử lý. Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết sẽ kiến nghị tạm thời tước quyền tự chủ tuyển sinh năm 2013 với các trường sau: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH Cửu Long và Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi. Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu ở mức tối thiểu, tạo điều kiện để các trường này duy trì hoạt động, dần dần đưa tỷ lệ SV/giảng viên trở về mức độ theo đúng quy định, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời Bộ GD-ĐT kiến nghị Bộ Công thương cảnh cáo Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM; khiển trách hiệu trưởng các trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, CĐ Thương mại, ĐH Công nghiệp Việt - Hung. Kiến nghị Bộ Y tế xem xét và có hình thức kỷ luật khiển trách đối với Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật y tế II. Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét và có hình thức kỷ luật khiển trách đối với Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính quản trị kinh doanh. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ xử phạt hành chính các trường tuyển vượt chỉ tiêu năm 2012 từ 5% trở lên. Đối với các trường ngoài công lập, sẽ có văn bản cảnh báo các trường vi phạm quy định tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và gửi UBND tỉnh/thành liên quan theo dõi, hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng nếu tiếp tục tái phạm năm 2013.
Nghiêm Huê - Báo Giáo dục TpHCM
Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2013 sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra liên kết đào tạo, vừa học vừa làm, dạy thêm học thêm và tuyển sinh.