Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Đại học vẫn chưa dám tự chủ Tuyển sinh 2013


Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2012 – 2013 mà Bộ GD-ĐT ban hành hồi cuối tháng 5 vừa rồi, năm 2013 vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thành 3 đợt: đợt 1 vào các ngày 3, 4, 5-7-2013; đợt 2 vào các ngày 8, 9, 10-7-2013; đợt 3 vào các ngày 14, 15, 16-7-2013.
 
Xet tuyen nguyen vong nam 2013
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, về cơ bản, mùa tuyển sinh 2013 sẽ không có thay đổi lớn, vẫn được thi theo “3 chung”. Điểm mới được bổ sung là thay cho quyết định xét tuyển thẳng với người học ở 62 huyện nghèo, Bộ GD-ĐT bổ sung đối tượng xét tuyển thẳng với các em học sinh ở các huyện biên giới, hải đảo. Ngoài ra, sẽ xem xét để khối năng khiếu sẽ tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ngoài việc chắc chắn thi ĐH-CĐ 2013 vẫn theo “3 chung” thì những thay đổi trên mới chỉ là dự kiến, tất cả sẽ chỉ được đặt ra và thống nhất tại hội nghị tuyển sinh dự kiến được tổ chức vào tháng 1-2013 tới đây.
Phương án thi “3 chung” đã duy trì nhiều năm nay, có người đồng thuận, có người không. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sau năm 2015 phải thay đổi căn bản phương thức thi cử, tuyển sinh. Tuy nhiên, từ nay đến thời điểm sau năm 2015 vẫn cơ bản duy trì thi “3 chung”, có chăng chỉ là những điều chỉnh quy chế tuyển sinh trong từng năm cho phù hợp với tình hình chung. Điều đáng nói là bộ vẫn khuyến khích các trường trọng điểm lên phương án tuyển sinh riêng, nhất là sau khi Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thì các trường đại học trọng điểm có thể tự chủ tuyển sinh.


Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có trường đại học trọng điểm nào trình phương án riêng trừ khối trường văn hóa nghệ thuật (khối trường này luôn có nhu cầu tuyển sinh riêng để phù hợp với đặc thù chuyên ngành. Hiện tại Bộ VH-TT-DL đã gửi đề án để các trường nghệ thuật tổ chức thi riêng. Nếu Bộ GD-ĐT và Bộ VH-TT-DL thống nhất thì ngay trong năm 2013, các trường văn hóa nghệ thuật có thể tổ chức thi môn văn hóa riêng cả về đề thi, đợt thi vì trước đây các trường nghệ thuật mới chỉ tổ chức thi năng khiếu riêng).
Như vậy có thể thấy, một phương án tuyển sinh phù hợp, thỏa mãn được cả hệ thống nói chung và từng trường nói riêng không hề đơn giản. Lâu nay các trường luôn mong mỏi được tự chủ tuyển sinh nhưng khi cờ đến tay thì không hẳn đã dám phất. Ngay cả 2 ĐHQG cũng vẫn đang hết sức thận trọng trong việc trình ra một phương án tuyển sinh cho mình. Hầu hết các chuyên gia cho rằng, có quá nhiều việc cần được chuẩn bị bài bản và phải mất vài năm thậm chí hơn thế để tìm ra phương thức tuyển sinh phù hợp nhất cho giáo dục đại học của Việt Nam.


Đến ngay cả ĐHQG Hà Nội cũng cho biết, năm 2013, trường không có chủ trương tự mình ra đề và sẽ vẫn chọn “ba chung”. Còn ĐHQG TPHCM hiện cũng chỉ mới dừng ở mức tổ chức hội thảo “xây dựng đề án đổi mới tuyển sinh ĐH tại ĐHQG TPHCM” trong đó đề xuất thi ĐH 5 môn. Hiện cả 2 ĐHQG đang gặp nhau ở quan điểm là cần có một đơn vị chuyên trách đứng ra tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực bao gồm việc ra đề và tổ chức thi. Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ đánh giá phần chung nhất về kiến thức, kỹ năng cần thiết để học ĐH của thí sinh. Các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển hoặc bổ sung các tiêu chí xét tuyển khác phù hợp với đặc thù của mình…
Đến các trường ĐH trọng điểm vẫn còn nhiều băn khoăn như vậy thì với các trường ĐH khác, việc lên phương án tự chủ tuyển sinh càng có nhiều lúng túng hơn. Với tình hình này, trong năm 2013 và thậm chí một vài năm tới, việc tuyển sinh theo phương án “3 chung” có thể vẫn phải tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, điều chỉnh thế nào để không tái diễn tình cảnh tuyển sinh ảm đạm như năm 2012 (dù Bộ GD-ĐT đã nới rộng các điều kiện tự chủ) là điều Bộ GD-ĐT phải “đau đầu” tính toán.

LÂM NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét